Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh Châu Âu – Những điểm cần lưu ý

Từ ngày 01/10/2023 Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism – CBAM) của EU bắt đầu có hiệu lực. CBAM là một công cụ mang tính bước ngoặt nhằm đưa ra mức giá hợp lý cho lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu vào EU [1] .

Hiện nay, cơ chế điều chỉnh carbon được quy định chủ yếu tại hai văn bản, gồm:

(i) Quy định số 2023/956 ngày 10/05/2023 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu về thiết lập cơ chế điều chỉnh biên giới carbon – (EU) 2023/956; và

(ii) Quy định thực thi số 2023/1773 ngày 17/08/2023 của Ủy ban châu Âu về đặt ra các quy tắc áp dụng Quy định (EU) 2023/956 của Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu liên quan đến nghĩa vụ báo cáo vì mục đích của biên giới carbon trong giai đoạn chuyển tiếp – (EU) 2023/1773.

CBAM VÀ CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN:

(i) Đánh thuế carbon lên các hàng hóa thuộc danh mục được quy định tại Phụ lục I của Quy định (EU) 2023/956. Theo đó, có 06 nhóm hàng hóa khi nhập khẩu vào thị trường EU sẽ phải chịu thuế carbon là: xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen. Tuy nhiên, danh mục này có thể sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng thêm các loại hàng hóa mà việc sản xuất ra chúng tiêu tốn nhiều năng lượng, có nguy cơ phát thải ra nhiều khí nhà kính ra ngoài môi trường. Điều này sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá, xem xét của Ủy ban châu Âu.

(ii) Từ năm 2026, các doanh nghiệp muốn nhập khẩu hàng hóa thuộc diện chịu phí CBAM vào EU phải đăng ký mua chứng chỉ CBAM. Theo đó, Ủy ban châu Âu thiết lập một cơ quan chuyên ngành để thực hiện và quản lý việc đăng ký CBAM của các doanh nghiệp nhập khẩu. Mỗi doanh nghiệp nhập khẩu khi đăng ký tại cơ quan này sẽ được cấp một tài khoản CBAM, gồm các thông tin như: tên, địa chỉ và thông tin liên hệ của doanh nghiệp; số EORI, số tài khoản CBAM, số nhận dạng, giá bán, ngày bán chứng chỉ CBAM…[2]

(iii) Trước ngày 31/05 hằng năm, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào EU thuộc đối tượng điều chỉnh của CBAM sẽ phải hoàn trả số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng khí nhà kính phát thải. Doanh nghiệp nhập khẩu cần đảm bảo số lượng chứng nhận CBAM tương ứng với ít nhất 80% lượng khí nhà kính phát thải. Trong trường hợp Ủy ban châu Âu phát hiện số lượng chứng chỉ CBAM không đáp ứng thì thông qua cơ quan đăng ký CBAM, Ủy ban châu Âu sẽ thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên nơi doanh nghiệp xuất khẩu được thành lập để các quốc gia này (trong vòng một tháng kể từ khi có thông báo) thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu biết về sự thiếu sót . Cần lưu ý thêm rằng, nếu doanh nghiệp nhập khẩu tại EU có thể chứng minh được họ đã thanh toán phí carbon trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu từ nước thứ ba, họ sẽ được khấu trừ số lượng chứng chỉ carbon [4] .

(iv) Về mức giá của một chứng chỉ CBAM là mức trung bình của giá tín chỉ phát thải tính theo mỗi tuần dương lịch của EU – ETS [5] trên thị trường mua bán đấu giá. Trong trường hợp không có phiên đấu giá nào được lên kế hoạch thực hiện trong tuần, giá chứng chỉ CBAM sẽ là mức giá trung bình của giá tín chỉ phát thải của EU – ETS trong tuần mà có hoạt động đấu giá gần nhất, mức giá này sẽ được công bố trên website của Ủy ban châu Âu vào ngày làm việc đầu tiên của tuần dương lịch tiếp theo [6] .

Có thể thấy, Cơ chế CBAM áp dụng cho doanh nghiệp thuộc EU, thông qua đó làm giảm tỉ lệ nhập khẩu hàng hóa từ ngoài EU do phải chịu thêm chi phí về CBAM góp phần giảm khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, từ đó làm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Không những vậy, CBAM có thể khuyến khích sự sáng tạo công nghệ khi thúc đẩy sự đầu tư của các doanh nghiệp vào công nghệ xanh trong quá trình sản xuất, số lượng các loại “hàng hóa xanh” thân thiện với môi trường xuất hiện ngày càng nhiều.

LỘ TRÌNH THỰC HIỆN CBAM:

CBAM sẽ trải qua bốn mốc thời gian quan trọng:

(1) Từ tháng 10/2023 – Giai đoạn “thí điểm”

CBAM chính thức có hiệu lực và được áp dụng “thí điểm” để cho các doanh nghiệp xuất – nhập khẩu có thể làm quen dần với cơ chế. Trong thời gian này cho đến cuối năm 2025, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa chịu sự điều chỉnh của CBAM vào EU sẽ phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về báo cáo mà chưa cần phải mua chứng chỉ CBAM [7] . Khi này, doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp dữ liệu về tổng số lượng từng loại hàng hóa, tổng lượng phát thải thực tế, tổng lượng phát thải gián tiếp, giá carbon phải trả ở quốc gia xuất xứ đối với lượng khí thải gắn liền với hàng hóa nhập khẩu – dẫn chiếu theo Điều 35 Quy định EU (2023)/956.

(2) Sau khi trải qua quá trình “thí điểm”

CBAM sẽ được áp dụng một cách dần dần đối với các loại hàng hóa thuộc đối tượng điều chỉnh CBAM. Điểm khác biệt của giai đoạn này so với quá trình “thí điểm” được thể hiện thông qua hai mặt chính:

– Thứ nhất, báo cáo mà doanh nghiệp nhập khẩu có nghĩa vụ phải thực hiện ở giai đoạn “thí điểm” sẽ phải thông qua một bước nữa là phải được thẩm định bởi các kiểm toán viên tại các đơn vị thẩm định.

– Thứ hai, các doanh nghiệp nhập khẩu, trong giai đoạn này sẽ bắt đầu phát sinh nghĩa vụ tài chính – cụ thể là phí CBAM. Loại phí này sẽ dần dần thế chỗ cho hạn ngạch miễn phí ETS, bắt đầu từ mức phí 2.5% cho năm 2026 và 100% cho năm 2034 trở về sau.

(3) Từ 2027

Để đảm bảo rằng cơ chế này hoạt động một cách có hiệu quả và phù hợp với tình hình kinh tế thế giới và các mục tiêu lâu dài về khí hậu của EU, Ủy ban châu Âu sẽ thực hiện việc rà soát một cách toàn diện về việc thực hiện CBAM. Việc rà soát này bao gồm dữ liệu về lượng tiền thuế CBAM thu được, tác động của CBAM đến các doanh nghiệp, quốc gia xuất – nhập khẩu, vai trò của CBAM đến việc giảm phát thải khí nhà kính. Không những vậy, việc rà soát này sẽ là cơ sở cho việc xem xét, điều chỉnh các chính sách, quy định có liên quan đến CBAM sao cho phù hợp nhất với các chủ thể liên quan.

(4) Từ 2034

CBAM sẽ được áp dụng hoàn toàn sau khi trải qua quá trình khá dài từ quá trình thực hiện thí điểm, thực hiện dần dần, rà soát toàn diện. Kể từ thời điểm này, phí CBAM sẽ thay thế cho hạn ngạch miễn phí EU ETS.

DOANH NGHIỆP VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ?

Để đảm bảo cho việc tuân thủ chính sách CBAM của Liên minh châu Âu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường một cách an toàn, tránh các rủi ro về mặt kinh tế và mặt pháp lý, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu các loại mặt hàng trong danh mục điều chỉnh của CBAM qua thị trường EU, cần lưu ý các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần thực hiện rà soát các loại hàng hóa mà mình đang xuất khẩu sang thị trường EU có là đối tượng điều chỉnh của cơ chế CBAM hay không. Bởi lẽ, trong thời điểm hiện tại, nếu hàng hóa xuất khẩu mà thuộc các loại mặt hàng trong danh mục, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý đến vai trò của mình trong nghĩa vụ cung cấp thông tin để bên đối tác thực hiện nghĩa vụ báo cáo của mình.

Thứ hai, khi xác định được mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp mình là một trong các loại hàng trong danh mục của CBAM, doanh nghiệp xuất khẩu cần phối hợp với đối tác nhập khẩu hàng hóa bên EU để thực hiện báo cáo mức độ phát thải khí nhà kính.

Thứ ba, sử dụng các nguồn năng lượng sạch, đầu tư phát triển công nghệ xanh khi sản xuất hàng hóa, làm cơ sở cho chuyển dịch cơ cấu sản xuất, “xanh” hóa hàng hóa để giảm lượng chứng chỉ CBAM mà doanh nghiệp nhập khẩu phải mua để kích thích việc nhập khẩu hàng hóa.

Thứ tư, luôn luôn tìm hiểu, cập nhật các thông tin mới nhất về cơ chế CBAM và các quy định pháp lý khác có liên quan để đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của mình, hạn chế các rủi ro không đáng có.


[1] European Commission, “Carbon Border Adjustment Mechanism”, https://taxation-customs.ec.europa.eu/carbon-border….
[2] Regulation (EU) 2023/956, Article 14.
[3] Regulation (EU) 2023/956, Article 22.
[4] Senyarich. M, Casenave. S, “The Carbon Border Adjustment Mechanism – How to prepare your business for CBAM”, p.3.
[5] European Union Emissions Trading System – Hệ thống mua bán quyền phát thải của EU.
[6] Regulation (EU) 2023/956, Article 21(1), (2).
[7] Regulation (EU) 2023/956, Article 32.

Nguồn ảnh: https://hakangurdal.com/…/carbon-border-adjustment…/ 

  • Date
  • Client
    Calvin Carlo
  • Category
  • Share