Cố vấn pháp lý của Lawrel – Ths. Nguyễn Tấn Hoàng Hải đã có bài viết đồng tác giả với chủ đề: “Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có việc xâm phạm quyền nhân thân của người khác trên mạng xã hội” được phát hành trong Tạp chí Toà án Nhân dân số 17 (2020). 

Lawrel xin được trích lại phần Dẫn nhập của bài viết:

“Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác” (khoản 22 Điều 3 Nghị Định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng). Thực tế cho thấy, các trang mạng xã hội đem tới cho người dùng rất nhiều tiện ích nhờ tốc độ thông tin nhanh, nội dung phong phú, hình thức sinh động, hấp dẫn. Khi được sử dụng phù hợp, mạng xã hội giúp mỗi cá nhân trao đổi thông tin, giải trí, kinh doanh trực tuyến có hiệu quả; đồng thời, đây cũng là kênh thông tin quan trọng góp phần đưa các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đến với người dân nhanh chóng, kịp thời.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội mà phổ biến nhất ở đây là Facebook đăng tải thông tin (hình ảnh, video, bài viết…) có nội dung xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín hay yếu tố nhân thân khác của người khác. Khi các yếu tố này bị xâm phạm, nạn nhân có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, yêu cầu xin lỗi hay cải chính công khai, yêu cầu bồi thường thiệt hại… (Điều 11 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015)). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào một trong những biện pháp dân sự là bồi thường thiệt hại và cụ thể là tập trung vào phân tích trách nhiệm bồi thường thiệt hại của những chủ thể tham gia mạng xã hội đối với người bị xâm phạm. Ở đây, chúng tôi lần lượt phân tích khả năng quy trách nhiệm cho người đăng tải thông tin lên mạng xã hội (I) cho người “like”, “share”, “được gắn thẻ tag” và “comment” trên mạng xã hội (II) và cho nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội (III).

Trong mối quan hệ với người bị xâm phạm, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được phân tích là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì vậy, bài viết tập trung vào loại trách nhiệm này”.

Xin mời xem phần giới thiệu Số tạp chí tại: https://tapchitoaan.vn/…/gioi-thieu-noi-dung-tap-chi...